Việc chuẩn bị nguồn lực để đón nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chất lượng cao cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phát triển bền vững là nền móng vững chắc xây nên sự thành công trong hành trình phát triển phía trước của tỉnh nhà…

Ưu tiên vốn chất lượng cao

Giai đoạn 2010-2015, Bình Dương thu hút được 7 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Đến giai đoạn 2015-2020, tổng vốn FDI đầu tư vào Bình Dương là 11,6 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, có đến 80% nguồn vốn FDI đầu tư vào các khu công nghiệp. Bình Dương hiện đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 67% GDP, Bình Dương trở thành địa phương công nghiệp hóa thực thụ, DN đầu tư tại tỉnh nhà đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó có 5 quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lũy kế cao nhất, chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh, bao gồm Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Samoa, Hàn Quốc. Sắp tới, Tập đoàn CSI (Đài Loan, Trung Quốc) sẽ xây dựng nhà máy khoảng 10 triệu đô la Mỹ tại Bình Dương để phát triển công nghệ điện tử và sản xuất thông minh.

Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng thu hút đầu tư mới
Bình Dương có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong làn sóng thu hút đầu tư mới

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, dòng vốn FDI đổ về các KCN Bình Dương đem đến nhiều cơ hội cho tỉnh tiếp tục bứt phá, tạo lực hút mạnh nguồn lao động trong và ngoài nước. Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện định hướng đúng đắn đề ra từ giai đoạn 2015-2020 là thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bài bản, trình độ khoa học công nghệ cao, hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động…

Bình Dương tiếp tục chú trọng công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, thông tin – viễn thông, quỹ đất sạch… theo hướng đồng bộ và hiện đại. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Chú trọng phối hợp tốt với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để phát huy hiệu quả đầu tư xây dựng của toàn vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo điều kiện rất thuận lợi trong vận chuyển, đi lại… Trong đó có các dự án, công trình cầu, đường kết nối với tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai; đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, nâng cấp mở rộng đường ĐT743. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên làm tốt công tác cải cách hành chính cùng với giữ vững an ninh chính trị để các nhà đầu tư yên tâm.

Trong khó khăn do dịch bệnh hiện nay, các cấp, các ngành sẽ hỗ trợ tối đa cho DN qua nhiều kênh, với nhiều phương thức. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trực tuyến thông qua các hình thức hội nghị, hội thảo về đầu tư để vừa quảng bá, vừa giữ mối quan hệ với các nhà đầu tư để ngay khi dịch bệnh được khống chế, các nhà đầu tư sẽ đến với Bình Dương.

Hỗ trợ DN vừa và nhỏ

Cùng với việc chuẩn bị các nguồn lực để đón làn sóng đầu tư mới, trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp để phát triển để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh, quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2020, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016- 2020 và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2021. Chính sách hỗ trợ được cụ thể hóa với các hoạt động như đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh; ưu tiên tập trung đào tạo cho DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Địa phương sẽ hỗ trợ 50% phí đào tạo cho người điều hành vận tải của các đơn vị vận tải trên địa bàn. Với kế hoạch này, DN được hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, theo hướng tập huấn các chuyên đề nhằm hỗ trợ các DN về pháp luật sở hữu trí tuệ; thủ tục xác lập quyền các đối tượng sở hữu trí tuệ; thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tra cứu thông tin và đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu.

Ngoài ra, DN sẽ được tập huấn chính sách thuế cho các DN khởi nghiệp; tổ chức hội thảo giới thiệu chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng như hỗ trợ DN chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy; hỗ trợ DN xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến… Theo đánh giá của lãnh đạo UBND tỉnh, với những chính sách hỗ trợ sẽ giúp các DN vừa và nhỏ có thêm điều kiện vượt qua khó khăn do dịch bệnh, tạo những tiền đề vững vàng để hội nhập và bắt nhịp với kinh tế sau dịch bệnh.

Theo Báo Bình Dương

4.9/5 - (11 bình chọn)

Bài viết liên quan