Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp mới nhất. Những hồ sơ và điều kiện cần đáp ứng theo quy định của Pháp Luật.

Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 đã có nhiều điều chỉnh mang đến thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, theo lộ trình cam kết khi gia nhập WTO thì chính sách đầu tư nước ngoài của Việt Nam gần như được dỡ bỏ những hạn chế và khó khăn đối với nhà đầu tư có vốn nước ngoài.

Hồ sơ xin giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp 

  1. Công văn đề nghị thực hiện dự án đầu tư (mẫu I.1);
  2. Bản sao CMND hoặc thẻ căn cước hoặc Hộ chiếu với nhà đầu tư là cá nhân;
  3. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương với nhà đầu tư là tổ chức;
  4. Đề xuất đầu tư (mẫu I.3);
  5. Bản sao báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc giấy tờ khác chứng minh khả năng tài chính của chủ đầu tư;
  6. Đề xuất nhu cầu sử dụng đất hoặc bản sao thỏa thuận thuê địa điểm;
  7. Giải trình về sử dụng công nghệ;
  8. Hợp đồng BCC (nếu có).

Nếu là dự án đầu tư cần lấy ý kiến thẩm định công nghệ, doanh nghiệp cần kèm theo những hồ sơ được quy định trong Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu công nghiệp

Căn cứ pháp lý của Thủ tục hành chính xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong KCN:

  • Luật 67/2014/QH13;
  • Nghị định 118/2015/NĐ-CP;
  • Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT;
  • Thông tư 03/2016/TT-BKHCN.

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, doanh nghiệp nộp hồ sơ vào bộ phận tiếp nhận và giải quyết TTHC nằm trong văn phòng Ban quản lý khu công nghiệp. Công chức tiếp nhận và kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ:

  • Nếu hợp lệ, viết giấy hẹn cho người nộp hồ sơ;
  • Nếu hồ sơ thiếu hoặc không hợp lệ, công chức có trách nhiệm hướng dẫn để doanh nghiệp làm lại hồ sơ và nộp cho kịp thời.

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trong giờ hành chính từ thứ hai đến thứ sáu. Thời gian chờ kết quả trong 05 ngày làm việc, nếu là dự án đầu tư rơi vào trường hợp cần ý kiến thẩm định công nghệ thì thời hạn có thể kéo dài đến 15 ngày (theo Thông tư số 03/2016/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trong giờ hành chính tất cả các ngày trong tuần, doanh nghiệp đến nhận Giấy chứng nhận đầu tư tại Bộ phận trả kết quả giải quyết TTHC trong văn phòng Ban Quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất.

Những lưu ý khi xin cấp chứng nhận đầu tư trong KCN

Về trường hợp phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Điều 36 Luật đầu tư năm 2014 có quy định như sau:

Điều 36. Trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;

c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

3. Đối với dự án đầu tư quy định tại các điều 30, 31 và 32 của Luật này, nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này thực hiện dự án đầu tư sau khi được quyết định chủ trương đầu tư.

4. Trường hợp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.

Như vậy, căn cứ trên điểm a khoản 2 và khoản 4, doanh nghiệp 100% vốn trong nước không cần thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận ĐKĐT.

Khi đăng ký đầu tư, doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau:

  • Đặt tên dự án đầu tư phù hợp với tính chất của dự án;
  • Có Hợp đồng thuê địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
  • Thể hiện quy mô dự án đầu tư: quy mô kiến trúc xây dựng, diện tích sử dụng đất, công suất thiết kế và sản phẩm đầu ra;
  • Vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư của dự án, cách góp vốn và huy động vốn;
  • Tiến độ thực hiện dự án, nhu cầu lao động, hiệu quả kinh tế – xã hội và đề xuất ưu đãi đầu tư;
  • Chứng minh năng lực tài chính.
4.6/5 - (47 bình chọn)

Bài viết liên quan