Giá trị vốn hóa là gì? Vốn điều lệ của doanh nghiệp là gì?

Giá trị vốn hóa là gì?

Giá trị vốn hóa là giá trị của tổng số cổ phiếu đang lưu hành của một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán. Vốn hóa được sử dụng để phân loại cổ phiếu của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng phát triển của doanh nghiệp và khả năng sinh lời từ khoản đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp để lựa chọn mua cổ phiếu theo khẩu vị rủi ro của mình.

Vốn hóa của doanh nghiệp thường được xác định theo công thức sau đây:

Vốn hóa thị trường = Giá cổ phiếu hiện tại x Cổ phiếu đang lưu hành

Giá trị vốn hóa thị trường phụ thuộc trực tiếp vào giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết thay đổi theo từng ngày giao dịch. Khi giá cổ phiếu tăng lên thì vốn hóa thị trường tăng theo và ngược lại. Những thay đổi về số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa trị trường của doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn hoặc mua lại cổ phiếu.

 

Vốn điều lệ của doanh nghiệp là gì?

Căn cứ quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 quy định vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp

(1) Đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Căn cứ Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 2 thành viên trở lên như sau:

– Công ty có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Tăng vốn góp của thành viên;

+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

– Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;

+ Công ty mua lại phần vốn góp của thành viên theo quy định pháp luật;

+ Vốn điều lệ không được các thành viên thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định pháp luật.

(2) Đối với công ty TNHH 1 thành viên

Căn cứ Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên như sau:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;

+ Vốn điều lệ không được chủ sở hữu công ty thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định pháp luật.

(3) Đối với công ty cổ phần

Căn cứ Điều 112 và Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các trường hợp tăng, giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần như sau:

– Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cồ phần theo các hình thức sau đây:

+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;

+ Chào bán cổ phần ra công chúng.

– Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

+ Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định pháp luật;

+ Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định pháp luật.

(4) Đối với công ty hợp danh

– Công ty hợp danh có thể tăng vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thêm thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn.

– Công ty hợp danh có thể giảm vốn điều lệ thông qua việc chấm dứt tư cách thành viên hợp danh.

 

5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết liên quan