Góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với cá nhân

Hiện nay, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất với các chủ thể như hộ gia đình, cá nhân ngày càng phổ biến. Như vậy, Góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được pháp luật quy định như thế nào? Với bài viết này, xin gửi đến Quý doanh nghiệp một cái nhìn tổng quát về vấn đề trên.

Khái niệm góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty.

Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất. Với từng loại hình doanh nghiệp, pháp luật quy định về trình tự, thủ tục góp vốn khác nhau. Đối với tài sản đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất, thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của mình cho công ty mình tham gia góp vốn. Tuỳ vào từng loại hình doanh nghiệp mà pháp luật quy định khác nhau về các vấn đề xoay quanh việc góp vốn. 

Nguyên tắc góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố.

Thứ hai, trường hợp chủ đầu tư thực hiện phương thức nhận góp vốn quyền sử dụng đất mà phải chuyển mục đích sử dụng đất thì chỉ được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.

Thứ ba, trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.

Điều kiện của người sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải thỏa các điều kiện sau:

Thứ nhất, có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật Đất đai năm 2013;

Thứ hai, đất không có tranh chấp;

Thứ ba, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

Thứ tư, trong thời hạn sử dụng đất.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ thể tham gia giao dịch về góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự đầy đủ và tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Điều kiện của người nhận góp vốn quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 93 Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện như:

Thứ nhất, có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận góp vốn đất nông nghiệp để thực hiện dự án;

Thứ hai, mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận góp vốn quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Thứ ba, đối với đất chuyên trồng lúa nước thì người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.

Thẩm quyền đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất đến Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để thực hiện đăng ký. Việc đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải tuân theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định.

Hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất kể từ khi công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Một là, hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Hai là, một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn.

Ba là, bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.

Bốn là, Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện.

Năm là, pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.

Căn cứ pháp lý:

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Luật Doanh nghiệp năm 2014;

– Luật Đất đai năm 2013;

– Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

5/5 - (6 bình chọn)

Bài viết liên quan