Thủ tục chuyển tiền góp vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và các hình thức chuyển tiền vốn vào doanh nghiệp

Dịch vụ thành lập công ty tại Bình Dương

  1. Tài khoản vốn đầu tư là gì? Hiện nay có những hình thức tài khoản vốn đầu tư nào?

Là tài khoản thanh toán được mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Có hai loại tài khoản vốn đầu tư:

  1. Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp: là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở
  2. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp: là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở.
  3. Thế nào là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp? Đối tượng nào phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp?

“Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp” là tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam do doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh mở tại một ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Tương ứng với loại ngoại tệ lựa chọn để thực hiện góp vốn đầu tư, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại ngoại tệ đó để thực hiện góp vốn đầu tư.

Đối tượng phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bao gồm:

  1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm:
  2. a) Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  3. b) Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp, bao gồm:

 (i) Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

 (ii) Doanh nghiệp được thành lập sau khi chia tách, sáp nhập, hợp nhất dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp;

 (iii) Doanh nghiệp được thành lập mới theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

  1. c) Doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện dự án PPP theo quy định của pháp luật về đầu tư.
  2. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp đồng BCC, nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP trong trường hợp không thành lập doanh nghiệp dự án (sau đây gọi là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp thực hiện dự án PPP).
  3. Có được mở nhiều tài khoản vốn đầu tư trực tiếp không? Mỗi tài khoản mở riêng ở mỗi ngân hàng khác nhau có được không?

NĐT và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp tại 01 (một) ngân hàng được phép và chỉ được mở 01 (một) tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ lựa chọn.

Trường hợp khoản vay nước ngoài mà đồng tiền đi vay không tương ứng với đồng tiền mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sử dụng để mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp thì được mở thêm tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng loại đồng tiền đi vay tại ngân hàng đã mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp đang sử dụng.

  1. Thủ tục mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng ngoại tệ và bằng đồng Việt Nam?

Thủ tục mở, đóng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, cụ thể như sau:

Bước 1: Khi có nhu cầu mở tài khoản thanh toán, khách hàng lập 01 (một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 7 Thông tư 02/2019/TT-NHNN nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc phương tiện điện tử đến ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi đề nghị mở tài khoản thanh toán.

Hồ sơ bao gồm:

Đối với tài khoản của cá nhân:

  1. a) Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng
  2. b) Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi), thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh (đối với cá nhân là người nước ngoài) của chủ tài khoản;
  3. c) Trường hợp cá nhân mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thì ngoài các giấy tờ nêu tại điểm a và b khoản 1 Điều này, hồ sơ mở tài khoản thanh toán phải có thêm thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện hợp pháp của người đó đối với chủ tài khoản.

Đối với tài khoản của tổ chức:

  1. a) Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nơi mở tài khoản và phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này;
  2. b) Các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp: Quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
  3. c) Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp và quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có) của tổ chức mở tài khoản thanh toán kèm thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của những người đó.

Các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán (ngoại trừ Giấy đề nghị mở tài khoản thanh toán lập theo mẫu của ngân hàng) là bản chính hoặc bản sao. Đối với các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán bằng tiếng nước ngoài, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về việc dịch ra tiếng Việt nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

  1. a) Các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở tài khoản thanh toán được thành lập và hoạt động hợp pháp (quyết định thành lập, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); giấy tờ chứng minh tư cách người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản trong mở và sử dụng tài khoản thanh toán (quyết định bổ nhiệm, văn bản ủy quyền) phải được dịch toàn bộ ra tiếng Việt;
  2. b) Hộ chiếu và các giấy tờ khác trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán chỉ phải dịch ra tiếng Việt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  3. c) Bản dịch ra tiếng Việt phải được đính kèm bản chính bằng tiếng nước ngoài để kiểm tra, đối chiếu;
  4. d) Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm kiểm soát và đảm bảo tính trung thực, chính xác và đầy đủ về nội dung được dịch ra tiếng Việt so với nội dung của các giấy tờ bằng tiếng nước ngoài.

Bước 2: Sau khi hoàn thành việc kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo các giấy tờ trong hồ sơ mở tài khoản thanh toán đã đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiến hành ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán với khách hàng.

  1. Giao dịch nào được phép thực hiện bằng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài?

Trường hợp 1: Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ

Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp sau đây:

  1. Các giao dịch thu:
  2. a) Thu tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  3. b) Thu tiền rút vốn bằng ngoại tệ từ các khoản vay trong nước và nước ngoài ngắn, trung, dài hạn của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  4. c) Thu tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;
  5. d) Thu ngoại tệ từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;

đ) Các khoản thu hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

  1. Các giao dịch chi:
  2. a) Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay trong nước và nước ngoài ngắn, trung, dài hạn bằng ngoại tệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  3. b) Chi chuyển ngoại tệ sang tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;
  4. c) Chi bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép để chuyển vào tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài;
  5. d) Chi chuyển tiền thanh toán giá trị nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

đ) Chi chuyển lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp bằng ngoại tệ từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam;

  1. e) Chi chuyển vốn đầu tư trực tiếp bằng ngoại tệ của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Việt Nam trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư, giảm vốn đầu tư hoặc kết thúc, thanh lý, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  2. g) Các khoản chi hợp pháp khác bằng ngoại tệ liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp 2: Sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam

Tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam được sử dụng để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp sau đây:

  1. Các giao dịch thu:
  2. a) Thu tiền góp vốn đầu tư trực tiếp bằng đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  3. b) Thu lợi nhuận sau thuế được chia bằng đồng Việt Nam để thực hiện tái đầu tư tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  4. c) Thu tiền rút vốn từ các khoản vay trong nước ngắn, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam;
  5. d) Thu tiền rút vốn từ các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

đ) Thu tiền thanh toán giá trị chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

  1. e) Thu chuyển khoản từ tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép.
  2. Các giao dịch chi:
  3. a) Chi chuyển khoản sang tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép;
  4. b) Chi chuyển lợi nhuận bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  5. c) Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay trong nước ngắn, trung, dài hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài;
  6. d) Chi trả tiền gốc, lãi, phí của các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh;

đ) Chi chuyển tiền thanh toán giá trị nhận chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư;

  1. e) Chi chuyển trả vốn đầu tư bằng đồng Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển nhượng vốn đầu tư và dự án đầu tư, giảm vốn đầu tư hoặc kết thúc, thanh lý và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
  2. NĐT có được chuyển vốn vào Việt Nam trước khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hay không?

Được phép.

NĐT nước ngoài được phép chuyển tiền từ nước ngoài hoặc từ tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài đó mở tại ngân hàng được phép tại Việt Nam để thanh toán các chi phí hợp pháp trong giai đoạn thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.

Sau đó:

Trường hợp 1:

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP, số tiền nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư được sử dụng để:

  1. a) Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn góp;
  2. b) Chuyển một phần hoặc toàn bộ thành vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trường hợp chuyển thành khoản vay nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tuân thủ quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Thời hạn của khoản vay nước ngoài được tính từ ngày dự án được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hoặc ngày mà các bên ký thỏa thuận vay nước ngoài (tùy thuộc vào ngày nào đến sau) đến ngày trả nợ cuối cùng;
  3. c) Chuyển trả cho nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam số tiền đã chuyển vào Việt Nam để thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư sau khi đã trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.

Trường hợp 2:

Trong trương hợp không được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, Giấy phép thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành, ký kết hợp đồng PPP hoặc không tiếp tục thực hiện dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài được chuyển ra nước ngoài số tiền còn lại bằng ngoại tệ hoặc được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài đối với số tiền đã chuyển vào Việt Nam và tiền lãi phát sinh (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí hợp pháp liên quan đến hoạt động chuẩn bị đầu tư tại Việt Nam.

  1. Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp là gì? Tại sao phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp? Đối tượng nào cần phải mở vốn đầu tư gián tiếp?

“Tài khoản vốn đầu tư gián tiếp” là tài khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mở tại ngân hàng được phép để thực hiện các giao dịch thu chi được phép liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam

NĐT nước ngoài có hoạt động đầu tư gián tiếp tại Việt Nam phải mở tài khoản đầu tư gián tiếp vì mọi hoạt động đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam. Các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua 01 (một) tài khoản vốn đầu tư gián tiếp mở tại 01 (một) ngân hàng được phép.

  1. Thủ tục chuyển tiền trường hợp góp vốn bằng hình thức mua cổ phần, phần vốn góp?

Nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức mua cổ phần, phần vốn góp thuộc trường hợp sau thì mở tài khoản vốn đầu tư tương ứng:

* Trường hợp phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:

– Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp này phải thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp;

– Doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp (hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc không có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài) dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp

* Trường hợp phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài:

– Các trường hợp Nhà đầu tư góp vốn bằng hình thức mua cổ phần, phần vốn góp mà không thuộc vào trường hợp phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nêu trên thì mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo quy định tại Thông tư 05/2014/TT-NHNN

  1. Doanh nghiệp khi thành lập có bắt buộc phải đăng ký tài khoản ngân hàng không? Các giao dịch nào của doanh nghiệp bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng?

Hiện nay không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải mở tài khoản ngân hàng, tuy nhiên trên thực tế cho thấy nó rất quan trọng, ngoài mục đích thực hiện nộp thuế môn bài điện tử cho công ty thì khi sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty thể hiện được tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp, thuận tiện hơn trong giao dịch thanh toán và nhận thanh toán với khách hàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Hơn nữa, chứng minh hợp lệ đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị thanh toán trên 20 triệu đồng. (Một trong những điều kiện để được trừ khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế hay điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng). Khi đã có tài khoản ngân hàng, các doanh nghiệp có thể rút tiền mặt tại ngân hàng.

Pháp luật về doanh nghiệp không có điều khoản quy định rõ ràng về việc bắt buộc doanh nghiệp phải lập tài khoản tại Ngân hàng, tuy nhiên căn cứ theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008:

Điều 9. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

  1. Trừ các khoản chi quy định tại khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
  2. b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá tri từ hai mươi triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khoản 1 điều 10 Thông tư số: 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về thuế giá trị gia tăng (GTGT), quản lý thuế và hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ sửa đổi điều 15 Thông tư số 39/2014/TT-BT quy định:

 Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
  2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.

Pháp luật doanh nghiệp không bắt buộc nhưng khi doanh nghiệp hoạt động, để được coi là chi phí được khấu trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng đầu vào thì những giao dịch trên 20 triệu đồng của công ty cần phải thực hiện qua giao dịch chuyển khoản của Ngân hàng. Do đó, việc lập tài khoản giao dịch là cần thiết.

Các giao dịch bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng bao gồm:

STTCác loại giao dịchPhạm vi và đối tượng áp dụngCăn cứ pháp lý
IBộ Tài Chính
1Trong lĩnh vực chứng khoán
1.1Thanh toán giao dịch chứng khoán– Giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán;- Giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.– Luật chứng khoán;- Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.
1.2Giao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoánGiao dịch chứng khoán cho khách hàng của công ty chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thương mại– Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 .- Điều 50 Thông tư 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012.
2Trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước
2.1Về thu ngân sách nhà nướcCác đơn vị, tổ chức kinh tế có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp ngân sách nhà nước (NSNN) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (KBNN).– Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Điều 5 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017.- Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018.
Đối với các cá nhân và các đơn vị, tổ chức khác khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước phải ưu tiên thanh toán bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
2.2Về chi ngân sách nhà nước và các khoản chi khác:Các khoản chi của các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp từ tài khoản của đơn vị giao dịch mở tại Kho bạc Nhà nước tới tài khoản của người cung cấp hàng hóa dịch vụ, người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người thụ hưởng khác tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng, trừ những trường hợp được phép chi bằng tiền mặt quy định tại Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC và Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 136/2018/TT-BTC.– Nghị định số 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Điều 5 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017.- Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 136/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018.
3Trong lĩnh vực thuế
3.1Thuế giá trị gia tăngHàng hóa, dịch vụ mua vào (trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng), hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để người nộp thuế giá trị gia tăng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.Khoản 6 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013.
3.2Thuế thu nhập doanh nghiệpHàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên (trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật) phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để được trừ chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.Khoản 5 Điều 1 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi năm 2013
3.3Thuế tiêu thụ đặc biệt– Nguyên liệu mua trực tiếp của nhà sản xuất trong nước phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế tiêu thu đặc biệt;- Hàng hoá do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài gồm hàng hoá bán và gia công cho doanh nghiệp chế xuất (trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế; hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài) phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng để được xác định là đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.– Khoản 3 Điều 1 Nghị định 14/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019.- Điều 3 Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015.
4Trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
4.1Giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn gópCác doanh nghiệp giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác thực hiện bằng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt.– Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Thông tư 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015.
4.2Các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhauCác doanh nghiệp giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau của các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng thực hiện bằng các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt– Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Thông tư 09/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015.
IINgân hàng Nhà nước
1Trong hoạt động của tổ chức sử dụng vốn nhà nước
1.1Giao dịch thanh toánCác tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số giao dịch sau:1. Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và các sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.2. Thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.3. Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước.4. Bên thanh toán thực hiện việc thanh toán hoặc bên được thanh toán nhận thanh toán tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.5. Khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng, trừ trường hợp các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toán này lớn hơn 20 triệu đồng.– Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Thông tư 33/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014.
2Giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng  nước ngoài đối với khách hàng
2.1Giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng– Bên thụ hưởng là pháp nhân.- Bên thụ hưởng (không bao gồm pháp nhân) có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và số tiền vay ghi trong thỏa thuận cho vay có giá trị trên 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng).- Khách hàng thanh toán, chi trả cho các mục đích sử dụng vốn vay mà pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng.– Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Thông tư 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017.
2.2Giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay– Khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã ứng vốn tự có để thanh toán, chi trả các chi phí thuộc chính phương án, dự án kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ đời sống được tổ chức tín dụng cho vay theo quy định của pháp luật.- Khách hàng trực tiếp thanh toán, chi trả tiền mua sản phẩm nông nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, hộ kinh doanh và tổ chức hợp tác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn để khách hàng thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, phù hợp với mục đích vay vốn ghi trong thỏa thuận cho vay.– Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013.- Thông tư 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017.
  1. Cách thức góp vốn vào doanh nghiệp của những người góp vốn thành lập doanh nghiệp? Những trường hợp xảy ra khi không góp đủ vốn vào doanh nghiệp của những người góp vốn thành lập doanh nghiệp?

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

Căn cứ theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 “Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam”. Như vậy có thể chia các hình thức góp vốn ra thành: Góp vốn bằng tiền, bằng hiện vật, bằng quyền.

Đối với các hình thức góp vốn khác ngoài tiền mặt phải thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Định giá tài sản góp vốn.

Bước 2: Chuyển quyền sở hữu tài sản.

Bước 3: Cấp giấy chứng nhận vốn góp, cổ phần.

Những trường hợp xảy ra khi không góp đủ vốn vào doanh nghiệp của những người góp vốn thành lập doanh nghiệp:

Không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký là một trong số các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2014.  Đối với mỗi laoị hình công ty, trách nhiệm và xử lý vi phạm này như sau:

  1. Công ty TNHH một thành viên.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.

  1. Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại.Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.

Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:

  1. a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
  2. b) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
  3. c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.

Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.

Công ty TNHH không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).

Như vậy, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

  1. Công ty cổ phần

Vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán các loại. Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần các cổ đông đã đăng ký mua.

Nếu sau thời hạn trên có cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua, thì thực hiện theo quy định sau đây:

  1. a) Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;
  2. b) Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;
  3. c) Số cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;
  4. d) Công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định.

Ngoài ra, cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn quy định. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định.

 

4.9/5 - (34 bình chọn)

Bài viết liên quan