Danh mục
ToggleThủ tục chuyển nhượng cổ phần dự án có sử dụng đất
Đối với dự án khu nhà ở, khu đô thị mới, trung tâm thương mại, khu phức hợp, văn phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng, dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp và các công trình xây dựng khác hình thành trong tương lai có sử dụng đất, thủ tục chuyển nhượng cổ phần phải kèm theo thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Các bên tự thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dự án hoặc phần vốn góp vào dự án, đây là hợp đồng nội bộ do các bên tự thỏa thuận, ký kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp dự án có sử dụng đất hoặc có tài sản gắn liền với đất, các bên phải làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai trước khi xin phép điều chỉnh nội dung dự án đã được phê duyệt.
Trường hợp này có vẻ phức tạp hơn, sau đây là một ví dụ để các bạn dễ hình dung.
Ví dụ: Công ty A và công ty B cùng góp vốn đầu tư vào một dự án đầu tư xây dựng công trình, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất do cả hai bên cùng đứng tên, nội dung dự án đã được phê duyệt do hai bên đồng chủ đầu tư. Nay công ty B muốn chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp đã đầu tư vào dự án cho công ty C, thủ tục chuyển nhượng cổ phần đã góp vốn vào dự án tiến hành như sau:
Cả 3 bên (gồm công ty A, B và C) cùng thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dự án hoặc phần vốn góp vào dự án (không bắt buộc phải công chứng hợp đồng này), sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, các bên tiếp tục tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại phòng công chứng, nội dung hợp đồng phải thể hiện rõ phần trăm cổ phần sở hữu đối với quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Chú ý: Thủ tục chuyển nhượng cổ phần trong trường hợp này không yêu cầu ghi nhận về tỉ lệ sở hữu dự án hình thành trong tương lai mà chỉ ghi nhận tỉ lệ cổ phần vốn góp vào đất và tài sản gắn liền với đất tại thời điểm chuyển nhượng. Việc góp vốn vào công trình xây dựng trong tương lai do các bên tư thỏa thuận, ký kết và chịu trách nhiệm.
Sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, bên A và bên C tiến hành thủ tục điều chỉnh nội dung dự án đã được phê duyệt.
Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án
1. Thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án:
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư dự án là cơ quan cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án.
– 1.2. Trước khi ra quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án, hồ sơ xin chuyển nhượng dự án phải được đơn vị chuyên môn trực thuộc cơ quan cho phép chuyển nhượng thẩm định. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ lấy ý kiến các cơ quan có liên quan. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định và lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
2. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án:
– Hồ sơ xin chuyển nhượng toàn bộ dự án nộp tại cơ quan đầu mối thẩm định cấp tỉnh nơi có dự án;
– Cơ quan đầu mối thẩm định cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ dự án trong thời gian 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ;
– Sau khi hoàn thành việc thẩm định, cơ quan đầu mối thẩm định trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định cho phép chuyển nhượng dự án theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Hồ sơ xin chuyển nhượng toàn bộ dự án gồm:
– Đơn xin chuyển nhượng dự án của chủ đầu tư cũ (Phụ lục 1);
– Văn bản cho phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hồ sơ dự án đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt dự án; hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hồ sơ của chủ đầu tư mới;
– Báo cáo quá trình thực hiện dự án đến thời điểm chuyển nhượng;
– Hồ sơ của chủ đầu tư mới, gồm:
. Đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản;
. Cam kết của chủ đầu tư mới khi được nhận chuyển nhượng dự án, trong đó có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và khách hàng mà chủ đầu tư cũ đã cam kết (phụ lục 2);
. Văn bản xác định năng lực tài chính của chủ đầu tư mới theo quy định tại Điểm 2 Phần I của Thông tư này.
4. Nội dung thẩm định hồ sơ xin chuyển nhượng toàn bộ dự án:
– Lý do chuyển nhượng;
– Điều kiện được chuyển nhượng của dự án;
– Điều kiện năng lực của chủ đầu tư mới;
– Phương án thực hiện dự án của chủ đầu tư mới.
5. Thủ tục bàn giao giữa chủ đầu tư cũ và chủ đầu tư mới:
– Chậm nhất 30 (ba mươi) ngày kể từ khi có quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan có thẩm quyền, chủ đầu tư mới và chủ đầu tư cũ phải tiến hành ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án (Phụ lục 3) và hoàn thành việc bàn giao dự án. Chủ đầu tư mới có trách nhiệm tiếp tục triển khai dự án ngay sau khi nhận bàn giao;
– Chủ đầu tư cũ bàn giao cho chủ đầu tư mới toàn bộ hồ sơ dự án, có biên bản bàn giao kèm theo danh mục hồ sơ. Việc bàn giao mốc giới đất đai của dự án trên thực địa thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai;
– Trước khi làm thủ tục bàn giao chủ đầu tư cũ phải thông báo bằng văn bản cho tất cả khách hàng (nếu có) và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng trước 15 ngày (ít nhất 03 số liên tiếp của một tờ báo phát hành tại địa phương, một đài truyền hình địa phương hoặc trung ương và trang web (nếu có) của cơ quan đầu mối thẩm định cấp tỉnh nơi có dự án) về việc chuyển nhượng dự án và quyền lợi của khách hàng.