62.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ an sinh chưa có tiền lệ với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, chắc chắn đang không chỉ được người dân mà nhiều hộ kinh doanh cùng các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh mong ngóng, đón đợi.
Cơ quan chức năng đã khẳng định, sẽ nỗ lực, khẩn trương thực hiện để những đối tượng được hỗ trợ tiền, sẽ được cầm tiền trong tháng này; những đối tượng được hỗ trợ về mặt chính sách có thể được hưởng lợi sớm nhất. Đề cập đến các đối tượng là doanh nghiệp cùng các hộ kinh doanh cá thể, theo quyết định: Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, nhưng đã trả trước 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2020, được vay khoản tiền tương đương tối đa 50% lương tối thiểu vùng với mức lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội mà không cần tài sản đảm bảo; Các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng một năm sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng trong không quá 3 tháng.
Ông Lưu Hải Minh – Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ mới Nhật Hải, doanh nghiệp thuộc diện nhỏ và vừa cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi rất hoan nghênh, nhưng chúng ta cần phải nhanh chóng thực hiện những cam kết bằng hành động. Tại vì hiện nay tháng nào tôi cũng vẫn phải trả lương bình thường và chúng tôi chưa thấy tín hiệu của việc hỗ trợ.
Ví dụ, như gửi ra ngân hàng, các ngân hàng mà có vay nợ chúng tôi đề xuất được hoãn trả nợ, trả lãi trong thời gian tháng 4,5,6, nhưng các ngân hàng đều trả lời là chẳng hạn công ty chúng tôi hoạt động về dược phẩm, họ trả lời không nằm trong diện được hưởng. Nhưng giải quyết vấn đề đủ điều kiện là thế nào,thì lại chưa biết”.
Không chỉ có giới doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể cũng đang rất quan tâm tìm hiểu về quyền lợi của bản thân và người thân trong gói tài chính này.
Bà Nguyễn Thị Mỵ và ông Lê Văn Sinh – đại diện hộ kinh doanh mặt hàng thảm và thiết bị gia dụng, đường Ngô Văn Sở, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là ví dụ: “Nhà có 4 người với cả 2 ông bà già là 6. Chúng tôi ở đây chủ yếu bán thảm, trước Tết còn nhúc nhắc chứ còn bây giờ dịch bệnh ế lắm. Bắt đầu từ hôm cấm là đóng cửa luôn, làm gì có đơn hàng nào, doanh thu kém đi. Các hộ ở đây hộ nào cũng như thế”.
Trên thực tế, hiểu băn khoăn này của các hộ kinh doanh cùng giới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như nhằm đảm bảo giải ngân không “lạc” đối tượng, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội – Đại diện cơ quan được giao nhiệm vụ hiện thực hóa gói tài chính đã khẳng định: “Doanh nghiệp chỉ được vay khi mà doanh nghiệp này đã trả 50% mức lương thì khi đó mới được vay vốn ưu đãi. Thứ hai là, việc trả lương này không phải trả qua doanh nghiệp mà trả thẳng cho người lao động.
Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ danh sách trả lương chuyển thẳng cho người lao động. Do đó doanh nghiệp khó có thể trục lợi chính sách. Tuy nhiên, chúng ta phải lường hết tình huống này”.
Điều đó có nghĩa cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xác định những tiêu chí, trước khi có thể đưa những hộ kinh doanh nào vào diện được hưởng lợi. Việc có bao nhiêu doanh nghiệp được vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách để trả lương cho người lao động cũng chưa thể xác nhận ở thời điểm này.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang, đây là một sự cẩn trọng cần thiết, bởi không chỉ có những hạng mục cụ thể trong gói 62.000 tỷ đồng này, nguồn lực hỗ trợ cho giới doanh nghiệp, các hộ kinh doanh còn đến từ những chủ trương, chính sách khác.
“Gói hỗ trợ này là thiết thực và tuy ban đầu được ghi trong nghị định nhưng cũng tương đối cụ thể các đối tượng được hưởng thụ, cần có hướng dẫn chi tiết hơn. Tuy nhiên cần lưu ý, ngoài gói hỗ trợ này, người dân, kể cả doanh nghiệp, hộ gia đình còn được hưởng những cái gói khác, ví dụ như hạ lãi suất hoặc là việc được hạ tiền điện.
Tuy đây là những giải pháp riêng lẻ, không có liên quan đến gói này nhưng nó cùng hỗ trợ thêm cho những hộ kinh doanh cá thể và những người nghèo, người dễ bị tổn thương, đây là sự cố gắng của Chính phủ” – chuyên gia Lê Xuân Sang cho biết.
Đồng thuận quan điểm này, ông Vũ Thành Hưng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản trị Kinh Doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm, gói an sinh 62.000 tỷ đồng được khẳng định là gói tài chính lớn, với mục đích giải ngân chưa có tiền lệ. Thế nhưng, nếu nhìn nhận sâu xa, những hình thức hỗ trợ tương tự không phải là chưa từng xuất hiện và điều đáng lo ngại nhất trong tất cả các công đoạn hỗ trợ hay cứu trợ này là để nguồn lực “lạc đường” – nhầm vị trí, sai đối tượng. Bởi vậy, vai trò của cơ quan chức năng là đặc biệt quan trọng.
Theo ông Hưng: “Doanh nghiệp nhận cứu trợ này thì đây là cứu trợ từ ngân sách nhà nước, từ xã hội, doanh nghiệp phải cam kết sử dụng đúng mục tiêu, là giải quyết vấn nạn xã hội liên quan đến lao động, việc làm, thất nghiệp…. Việc đó phải làm rất rõ, phải có giám sát, sau đó minh bạch và công khai, phải có sự tham gia của ác bên và thông tin liên quan đến việc này cũng phải kiểm soát minh bạch hơn. Nếu làm như vậy sẽ tránh được tình trạng trục lợi, nó đi ngược với mục tiêu hỗ trợ hay cứu trợ”.
Những thông tin vừa rồi một lần nữa góp phần khẳng định quan điểm, gói an sinh 62.000 tỷ đồng hay các gói tài chính tương tự đã, đang, sẽ được triển khai trong thực tế chắc chắn không thể giúp hỗ trợ hay cứu vớt 100% doanh nghiệp đang gặp sóng gió từ đại dịch, cũng không thể có sự chính xác tuyệt đối trong công tác hỗ trợ, nhất là vào những giai đoạn cần kíp-cấp bách … nhưng nếu tất cả, từ những cơ quan có thẩm quyền, đến từng người lao động, từng hộ kinh doanh cá thể, cùng các doanh nhân-doanh nghiệp đều có tinh thần-trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng – ngay từ khâu xác định đối tượng hưởng lợi – các gói hỗ trợ này sẽ hiệu quả tối ưu./.
Theo VOV