Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS hướng dẫn chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở theo luật đầu tư

1. Về thủ tục quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 170 Luật Nhà ở 2014 đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư. Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ.

Để hướng dẫn quy định nêu trên, tại khoản 1 Điều 9 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014 đã quy định: dự án đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả dự án đầu tư xây dựng khu đô thị hoặc dự án sử dụng đất hỗn hợp mà có dành diện tích đất trong dự án để xây dựng nhà ở (điểm c khoản 2 Điều 17 Luật Nhà ở 2014) phải làm thủ tục đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Nghị định này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nhà ở và pháp luật đầu tư thì tùy trường hợp cụ thể, dự án đầu tư xây dựng nhà ở sẽ thực hiện một trong hai thủ tục: (1) Quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư hoặc (2) Chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật nhà ở. Trường hợp dự án đã thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở; nếu dự án không thuộc diện thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở.

 2. Về thủ tục chấp thuận đầu tư

Theo quy định tại Điều 20 của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị thì sau khi hoàn thành thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị chấp thuận đầu tư hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định chấp thuận đầu tư thực hiện dự án. Quyết định chấp thuận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở pháp lý để thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 (ban hành sau Nghị định số 11/2013/NĐ-CP) không có quy định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải làm thủ tục chấp thuận đầu tư sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, căn cứ vào quy định tại khoản 2 khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Do vậy, đối với những dự án đã có quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP.

Hiện nay, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, trong Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021) đã quy định thống nhất áp dụng một thủ tục, đó là chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Theo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS

4.9/5 - (22 bình chọn)

Bài viết liên quan